DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2030, NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM SẼ ĐẠT QUY MÔ 300 TỶ USD
Nhiều tín hiệu tích cực
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nước ta hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong ngành chế biến, chế tạo.
Ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo.
Nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm 2022 giảm gần 2% so với năm 2021. Điều đó cho thấy, nhờ việc chú trọng vào đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất ngành cơ khí trong nước thời gian qua, Việt Nam đang giảm dần sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.
Nếu trước nay các doanh nghiệp chủ yếu nhập nguyên liệu để lắp ráp, chế tạo thì hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự cung ứng các linh kiện kim loại nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa như Thaco, Vinfast, Thành Công...
Hiện các doanh nghiệp vừa nêu đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nếu trước đây thị phần xuất khẩu linh kiện, máy móc thiết bị chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp FDI thì nay các ông lớn ở Việt Nam cũng đã xuất khẩu máy móc, thiết bị ra thế giới.
Dù thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI nhưng thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng trung bình đạt 28,3%/năm (mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2020 đạt 48,58%).
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 15 lần so với năm 2010.
Ngành cơ khí Việt Nam được kỳ vọng phát triển đến quy mô 300 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Kim Ngọc
Đẩy mạnh quá trình tiếp cận với trình độ thế giới
Mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt là đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, tại Khai mạc Triển lãm Quốc tế về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA), ông Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng nhấn mạnh, Việt Nam muốn đón đầu công nghệ cần đồng bộ hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ CNC trong mọi mặt kinh tế.
"Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại giúp kết nối, điều khiển các loại máy móc, robot vận hành chính xác vầ mang đến những sản phẩm chất lượng cao, đồng đều. Với khả năng hoạt động liên tục của hệ thống máy móc hiện đại giúp tiết kiệm chi phí sản xuất hơn so với phương pháp truyền thống. Khi vận hành các hệ thống đều được đồng bộ điều này giúp sản phẩm đầu ra đồng đều, ít lỗi", ông Hiệp nói thêm.
Nhiều sản phẩm cơ khí hiện đại "made in Vietnam" thu hút sự chú ý. Ảnh: MTA
Với tỉ lệ doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 80% tổng doanh nghiệp tham gia triển lãm, MTA Vietnam được giới chuyên gia đánh giá là cầu nối uy tín để doanh nghiệp trong nước tiếp cận các máy móc, giải pháp tiên tiến, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở ra cơ hội cho toàn ngành công nghiệp cũng như phân ngành cơ khí, chế tạo Việt Nam.
Được biết, bên cạnh những tiến bộ nội tại, việc học hỏi, trau dồi kinh nghiệm đến từ những quốc gia có tên tuổi trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo sản xuất, cơ khí là điều rất cần thiết trong việc nâng cao vị thế, thay đổi cách thức kinh doanh sản xuất nhằm giảm lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu và hướng đến tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như xuất khẩu.
Đại diện Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA), bà Kare Yu chia sẻ, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực của Đài Loan và hiện có nhiều tiềm năng phát triển. Vốn là quốc gia có bề dày về lĩnh vực máy móc, cơ khí Đài Loan luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp các công nghệ, thiết bị hiện đại cho Việt Nam nhằm hướng đến phát triển cùng có lợi cho hai nước.
Cơ hội cho ngành cơ khí Việt là rất lớn, với dự báo đạt quy mô 300 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời thời việc tham gia hàng loạt các FTA như hiện nay là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này tiếp cận gần hơn với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Với chủ đề "Đón đầu làn sóng tương lai", triển lãm Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo với nhiều hoạt động thiết thực và có tính ứng dụng cao về tự động hóa nói chung, cũng như ứng dụng robot trong sản xuất nói riêng. Hàng nghìn máy móc, thiết bị và giải pháp tiên tiến nhất cho ngành cơ khí, chế tạo sẽ được trưng bày, bên cạnh chuỗi chương trình hội thảo chuyên sâu do các tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong ngành kiến tạo.
Thông qua sự kiện, các nhà sản xuất có thể quảng bá sản phẩm và công nghệ mới và doanh nghiệp tìm kiếm được các công nghệ, giải pháp vận hành tối ưu nhất cho dây chuyền sản xuất của đơn vị.