NGÀNH CƠ KHÍ TỪNG BƯỚC LÀM CHỦ VÀ NÂNG CAO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HÓA
Sản xuất cơ khí khởi sắc
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp cơ khí phát triển. Nhờ vậy, ngành cơ khí trong nước đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể như: số lượng doanh nghiệp (DN) cơ khí tăng mạnh từ 10.000 DN năm 2010 lên 21.000 DN năm 2016, đến nay, có khoảng hơn 30.000 DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong ngành chế biến, chế tạo. Ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo.
Năm 2022, nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cùng việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đã thúc đẩy sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam tăng trưởng 16,5% so với năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tại khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Theo Bộ Công Thương, với khoảng 30.000 DN cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.
Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như Vinfast, Thành Công, Thaco…
Đơn cử Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) với sự thích ứng linh hoạt, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu của Thaco Auto (thuộc Thaco) tăng về lượng lẫn giá trị. Đối với thị trường trong nước, Thaco Auto đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ô tô, xe máy và các doanh nghiệp FDI, như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio, Amann, Makitech…
Xuất khẩu tăng mạnh
Bên cạnh những tín hiệu vui từ sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm cơ khí cũng tăng trưởng khả quan. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau điện thoại và máy vi tính). Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng trung bình đạt 28,3%/năm (mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2020 đạt 48,58%).
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 15 lần so với năm 2010.
Trong đó, thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối DN FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI ước đạt 42,58 tỷ USD, tăng 19,74% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng gần 93% (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).
Biểu đồ 01: Kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam giai đoạn 2010-2022 (ĐVT: tỷ USD)
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Bảng 01: Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam giai đoạn 2010-2022
Năm |
Kim ngạch XK máy móc thiết bị (tỷ USD) |
|
Tăng trưởng (%) |
|
Tỷ trọng XK của DN FDI/cả nước (%) |
|
Cả nước |
DN FDI |
Cả nước |
DN FDI |
|
2010 |
3,07 |
2,76 |
48,90 |
|
89,90 |
2011 |
4,37 |
3,72 |
42,37 |
34,77 |
85,13 |
2012 |
5,54 |
|
26,80 |
|
|
2013 |
6,02 |
5,39 |
8,82 |
|
89,53 |
2014 |
7,32 |
6,56 |
21,43 |
21,65 |
89,62 |
2015 |
8,16 |
7,31 |
11,54 |
11,38 |
89,58 |
2016 |
10,11 |
9,08 |
23,94 |
24,29 |
89,81 |
2017 |
12,91 |
11,55 |
27,70 |
27,23 |
89,47 |
2018 |
16,36 |
14,50 |
26,70 |
25,48 |
88,63 |
2019 |
18,30 |
15,17 |
11,90 |
4,66 |
82,90 |
2020 |
27,19 |
23,73 |
48,58 |
56,42 |
87,27 |
2021 |
38,34 |
35,56 |
41,01 |
49,83 |
92,75 |
Ước N2022* |
45,80 |
42,58 |
19,45 |
19,74 |
92,97 |
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu máy móc thiết bị chủ yếu là sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2022 ước đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng tới hơn 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước. Tiếp đến là các thị trường: EU chiếm 12,37%; Trung Quốc chiếm 7,95%; ASEAN chiếm tỷ trọng 7,11%; Hàn Quốc chiếm 6,09%; Nhật Bản chiếm 6,03%...
Nhìn chung, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nga giảm 41,08% và Ukraina giảm mạnh 69,3% do ảnh hưởng của xung đột; ngoài ra xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Bangladesh, Thụy Sỹ, Pakistan, Na Uy cũng giảm.
Xuất siêu máy móc, thiết bị
Trong giai đoạn 2010-2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng vào Việt Nam tăng trưởng ở mức trung bình 11,74% (năm 2021 tăng mạnh nhất 24,28%). Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị ước đạt 45,4 tỷ USD, giảm nhẹ 1,94%. Đây là năm thứ hai kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này giảm, bên cạnh năm 2018 (giảm 3%). Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI chiếm tỷ trọng gần 70% đạt 31,7 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021.
Về cán cân thương mại, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam liên tục nhập siêu máy móc thiết bị với trị giá hơn 10 tỷ USD (năm 2017 nhập siêu nhiều nhất 20,97 triệu USD). Năm 2021, nhập siêu máy móc thiết bị giảm xuống còn 7,96 tỷ USD. Theo ước tính, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu máy móc thiết bị 402,4 triệu USD.
Biểu đồ 02: Kim ngạch máy móc, thiết bị nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010-2022 (ĐVT: tỷ USD)
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Trung Quốc là thị trường cung cấp máy móc thiết bị lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch năm 2022 ước đạt 24,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% so với năm 2021; chiếm tỷ trọng hơn 54% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước. Mặc dù có sự suy giảm nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tiếp đến là các thị trường: Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 13,92%; Nhật Bản chiếm 9,38%; ASEAN chiếm 6,47%; EU-27 chiếm 6,05%; Đài Loan chiếm 3,09%; Hoa Kỳ chiếm 2,06%; Ấn Độ chiếm 1,19%…
Trong năm qua, nhập khẩu máy móc thiết bị từ nhiều thị trường giảm như: Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Anh, Thụy Sỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, New Zealand, Nga, Ukraine, Nam Phi. Ngược lại, nhập khẩu từ một số thị trường vẫn tăng khá gồm: Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan, Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Israel, Brazil…
Trong khi đó, nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm giảm gần 2% so với năm 2021. Điều đó cho thấy, nhờ việc chú trọng vào đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất ngành cơ khí trong nước thời gian qua, Việt Nam đang giảm dần sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.
Đáp ứng khoảng 32% nhu cầu
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song phải nhìn nhận thực tế, năng lực và trình độ ngành cơ khí chưa theo kịp với thế giới. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành còn thấp, chưa thể hiện vai trò nền tảng cho phát triển công nghiệp. Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện - điện tử và cơ khí ô tô - cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.
Số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều. Chưa hình thành các DN cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các DN nước ngoài. Năng lực nghiên cứu, thiết kế của các DN cơ khí trong nước còn hạn chế, có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký trong ngành cơ khí. Trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung chậm đổi mới.
Những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Ngành cơ khí đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống”, là nền tảng và là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.
Tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển
Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
Cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; tập trung hỗ trợ một số DN trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực trong lĩnh vực chế tạo như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; hình thành hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng DN vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.
Tỷ trọng ngành cơ khí năm 2025 sẽ chiếm trên 21% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng được trên 50% nhu cầu thị trường trong nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của ngành nhằm tăng hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các DN cơ khí.
Nhà nước nên khuyến khích và hỗ trợ các DN trong việc nâng cấp công nghệ ở khâu gia công cơ khí và mở rộng chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho những lĩnh vực đang sử dụng dây chuyền và thiết bị nhập ngoại. Trong thời gian sắp tới, cần chú trọng các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu:
- Máy động lực: Đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá thiết bị và công nghệ CIM, phát triển ngành chế tạo máy động lực trở thành lĩnh vực công nghiệp mạnh của Việt Nam.
- Thiết bị toàn bộ: Vận dụng nhân lực và nguồn vốn để đầu tư các thiết bị và công nghệ cao CAD/CAM (Computer Aided Design/Computer Aided Manufacturing – Thiết kế/Chế tạo với sự trợ giúp của máy tính) nhằm ứng dụng vào các khâu cơ bản như: đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp. Đặc biệt tập trung sản xuất thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu, nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến hơn hiện nay.
- Máy công cụ: Ngoài việc cố gắng kêu gọi nước ngoài đầu tư các nhà máy sản xuất máy công cụ tại khu vực, thì các cơ quan ban ngành cơ khí sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu mạnh của hai đầu đất nước để nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu máy hiện đại ứng dụng công nghệ PLC, CNC, NC và các thiết bị gia công đặc biệt.
- Máy kéo và máy nông nghiệp: Áp dụng công nghệ tạo phôi, sơn tĩnh điện, dây chuyền lắp ráp tự động để nâng cao năng suất, chất lượng.
- Cơ khí xây dựng: Đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế tạo máy xây dựng với thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất.
- Thiết bị điện: Phấn đấu xây dựng ngành sản xuất thiết bị điện hiện đại cho đến năm 2025 sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện.
- Cơ khí ôtô và cơ khí giao thông vận tải: Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới CNC, CAD/CAM kết hợp với khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có.
- Cơ khí tàu thủy: Phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam theo hướng trở thành một chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đồng bộ từ đào tạo, nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CIM, công nghệ PLC, CNC, NC, CAD/CAM đáp ứng nhu cầu đổi mới cơ cấu đội tàu hoạt động của khu vực Việt Nam, một phần trong nước và nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại và các công ty đa quốc gia mở rộng tìm đối tác liên doanh, liên kết, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng là cơ hội lớn cho nhiều DN. Theo PGS.TS Lê Thu Quý, để phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa…
Để ngành cơ khí trong nước nhanh chóng phát triển, Bộ Công Thương đề xuất tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí, ô tô. Bảo vệ, phát triển thị trường trong nước thông qua các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng phát triển, kích thích thị trường cho một số ngành cơ khí ưu tiên như ô tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện; công nghệ chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, máy công cụ, máy nông nghiệp, phụ tùng, động cơ ô tô và phụ tùng cơ khí, giao thông đường sắt, thép chế tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ chế biến và bảo quản. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các DN cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và DN trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các DN, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế.
Văn Sơn - Ngọc Mi